Chuyển tới nội dung

VÕ ĐỨC PHẦN SƠ ĐẲNG VÕ PHÁI ĐỨC NAM – NHỊ KHÚC CÔN

  • bởi

PHẦN 1

TÂM NIỆM VÀ LỜI THỀ

MÔN SINH ĐỨC NAM – NHỊ KHÚC CÔN

***

10 ĐIỀU TÂM NIỆM

Môn sinh Đức Nam – Nhị khúc côn

1.Chuyên cần và giúp ích

2.Tiết độ và trong sạch

3.Nghiêm khắc và bao dung

4.Chấp hành và xây dựng

5.Sáng suốt và kiên trì

6.Công bằng và khách quan

7.Lễ độ và tôn kính

8.Trung tín và chân tình

9.Khiêm tốn và thật thà

10.Quý trọng và siêng năng học tập

03 LỜI THỀ

Nghi thức tuyên thệ:

Trước Quốc kỳ tượng trưng cho tinh thần bất diệt của dân tộc

Trước kỳ hiệu của võ phái tượng trưng tinh thần và danh dự võ sinh ĐNNKC

Trước quý vị võ sư và đồng môn tượng trưng cho sự tôn kính và đoàn kết

Chúng tôi, các tân môn sinh xin thề:

1.Với bản thân: Tu dưỡng và thăng tiến

2.Với cộng đồng: Chấp hành và giúp ích

3.Với tổ quốc: Trung thành và vinh danh

Xin thề…Xin thề…Xin thề!

PHẦN 2

CÂU HỎI KIẾN THỨC VÕ ĐỨC

Câu 1: 5 điều kỷ luật võ đường Đức Nam – Nhị khúc côn?

  • Đến đúng giờ. Đến muộn phải nói lý do trước khi vào lớp. Nếu nghỉ phải báo trước.
  • Dùng thiết bị tập luyện đúng cách, đúng chỗ, đúng hướng dẫn.
  • Biết lắng nghe, biết học hỏi, biết giữ lời.
  • Khiêm tốn, nhường nhịn, tôn trọng đồng môn
  • Chủ động cống hiến cho sự phát triển võ đường và võ phái

Câu 2: Võ phái Đức Nam – Nhị khúc côn ra mắt chính thức vào ngày nào?

Vào ngày 29/9/2013 tại Trường Đại học FPT – số 137 đường Nguyễn Thị Thập – phường Hòa Minh – quận Liên Chiểu – thành phố Đà Nẵng.

Câu 3: Nhà sáng lập Võ phái Đức Nam – Nhị khúc côn?

Là một nhà giáo Việt Nam, Bút danh Lâm Giang (bấy giờ là giảng viên Đại học FPT, cử nhân ĐH Thể dục TT chuyên ngành Karatedo,  HLV Vovinam Việt Võ Đạo, UV.BCH Hội Vovinam Đà Nẵng). Tính đến ngày ra mắt võ phái, trên thế giới có nhiều câu lạc bộ và nhiều môn võ có bài múa côn nhị khúc nhưng chưa có riêng võ phái côn nhị khúc.

Câu 4: Tên võ phái “Đức Nam – Nhị khúc côn” có liên quan gì đến tên người sáng lập?

Không liên quan.

Tên võ phái gồm 3 phần:

  • Chữ “ĐỨC (đạo đức)” là mục tiêu của võ sinh (rèn đức)
  • Chữ “NAM (Việt Nam)” là tên nước, nơi hình thành võ phái – Để nhớ nguồn võ phái là từ tổ quốc Việt Nam.
  • Cụm từ “NHỊ KHÚC CÔN” là dụng cụ luyện tập của môn sinh.

Câu 5: Cụm từ “Đức Nam – Nhị khúc côn” có ý nghĩa gì?

Cụm từ “ĐỨC NAM – NHỊ KHÚC CÔN” có ý nghĩa: Tập côn nhị khúc để tăng sức, rèn đức làm người – đây vừa là tâm nguyện môn sinh vừa là mục đích võ phái. “Đức Nam – Nhị khúc côn”.

Câu 6: Người Việt Nam gọi cây côn bằng những từ nào?

Côn, roi, hèo, trượng, tiên, gậy,…

Côn Việt có nhiều loại.

Gậy dài hay trung bình tiên còn gọi là gậy bảy (dài 7 thước ta, khoảng 2,80 mét).

Gậy ngắn tròn có tên là gậy ba (dài 3 thước ta, khoảng 1,20 mét).

Gậy ngắn vuông, chữ nhật, lục giác còn gọi là tay thước hay giản (có thể có cán).

Theo chiều cao người dùng để chia côn ra nhiều loại:

Đoản côn dài từ nách tới đầu ngón tay duỗi thẳng

Trung côn dài từ mặt đất chân đứng thẳng đến ngực

Tề mi côn dài từ mặt đất đến ngang tầm mi mắt

Trường côn dài từ mặt đất tới đầu ngón tay với thẳng lên (dài một đầu một với) – trung côn với người này có thể là tề mi côn của người khác.

Câu 7: Người Việt gọi côn nhị khúc bằng những từ nào?

Côn nhị khúc, nhị khúc côn, côn hai khúc, lưỡng tiết côn, lưỡng đoạn côn, nhị đoạn côn, song tiết côn, hay “nun cha kư” [âm Nhật] – viết “nunchaku”.

Câu 8: Ở Việt Nam, côn nhị khúc là vũ khí?

Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 Hà Nội, 30/06/2011 – Khoản 4, Điều 3 ghi: “Vũ khí thô sơ gồm dao găm, kiếm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ”. Côn nhị khúc không là vũ khí thô sơ.

Câu 9: Môn võ gậy Arnis của Philippines có phải là một võ phái không?

Nội dung giảng luyện của một võ phái bao gồm chương trình, hệ thống đẳng cấp thống nhất – về võ lực, võ thuật, võ đức. Tính đến ngày ra mắt võ phái Đức Nam – Nhị khúc côn, Arnis của Philippines vẫn là môn thể thao đối kháng quốc tế nhưng chưa phải là một võ phái.

Câu 10: Trên thế giới, võ phái nào chuyên dùng một loại vũ khí như Đức Nam – Nhị khúc côn?

Tính đến 29/9/2013 (ngày ra mắt võ phái Đức Nam – Nhị khúc côn), chưa có võ phái nào chuyên về một loại vũ khí. Liên đoàn Kiếm đạo (Nhật Bản) tuy chỉ dùng kiếm (bằng tre, gỗ) để tập và thi đấu nhưng đây là một tổ chức thể thao quốc tế, không phải là một võ phái.

Câu 11: Trình độ, danh hiệu của học viên?

2 trình độ: cấp (5 cấp) và đẳng (10 đẳng).

2 danh hiệu:

  • Võ sinh
  • Môn sinh – có các danh hiệu cụ thể như sau:
  • Môn sinh (từ cấp I đến cấp IV)
  • Dự bị phụ tá, Phụ tá (sơ cấp, trung cấp, cao cấp)
  • Dự bị huấn luyện viên (HLV)
  • HLV (sơ đẳng, trung đẳng, cao đẳng)
  • Võ sư
  • Sư trưởng.

Câu 12: Màu đai từ thấp lên cao của học viên?

Màu: đen, xanh, vàng, đỏ, trắng

Đai đen: Năng lượng, quyết thắng thói quen của bản thân để luyện tập.

Đai xanh: Trung thành, hy vọng.

Đai vàng: Niềm vui, vinh dự

Đai đỏ: Ý chí,  tiên phong

Đai trắng: Ánh sáng mặt trời (khi tán sắc sẽ cho các màu đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím), hoàn hảo.

Câu 13: Giới thiệu về Câu lạc bộ và Huấn luyện viên?

  • Thành lập?
  • Huấn luyện viên trưởng, phụ tá huấn luyện viên?
  • Số lượng môn sinh?
  • Các hoạt động huấn luyện võ thuật, võ đạo, võ lực?
  • Các hoạt động ngoại khóa?

Câu 14: Giới thiệu về người bạn cùng tập cặp?

  • Họ và tên, quê quán?
  • Nghề nghiệp, cuộc sống?
  • Luyện tập với nhau trong thời gian bao lâu?
  • Mong muốn ?

Câu 15: Lịch sử hình thành kỹ thuật của võ phái?

Từ các ĐÒN của một số võ phái, từ các BÀI côn nhị khúc (của Karatedo, Taekwondo, Võ cổ truyền Việt Nam, Võ gậy Phillipin), từ nguyên tắc “1 thành 3” (đòn → bài → đa luyện) của môn phái Vovinam.

Sáng tạo của chương trình Đức Nam – Nhị khúc côn là từ ĐÒN, BÀI để lập CHƯƠNG TRÌNH với nội dung (thế, đòn, bài – đơn luyện, song luyện, đa luyện) theo từng cấp đào tạo từ cơ bản đến nâng cao.

Câu 16: Nội dung luyện Đức nam – Nhị khúc côn gồm mấy phần chính?

Có 3 phần chính: Võ đức, Võ lực, Võ thuật.

Câu 17: Võ đức của môn sinh Đức Nam – Nhị khúc côn?

Môn võ Đức Nam – Nhị khúc côn là sản phẩm văn hóa nhân loại do người Việt sáng lập nhằm góp phần DƯỠNG NHÂN TÍNH, LUYỆN NHÂN CÁCH, TU NHÂN ĐỨC; không là vận động thể dục thể thao giản đơn mà còn rèn thượng tôn võ đạo, trọng pháp, tôn sư. Sự phát triển của võ phái coi trọng võ đức, công lý, học vấn.

Câu 18: Võ lực của môn sinh Đức Nam – Nhị khúc côn?

Theo quy luật giáo dục thể chất, đặc điểm huấn luyện thể thao; kết hợp huấn luyện thể lực chung và thể lực chuyên (côn nhị khúc). Sử dụng các hình thức khác nhau để nâng khả năng chức phận cơ thể, làm phong phú vốn kỹ năng kỹ xảo theo sự phát triển toàn diện thể chất của môn sinh. Vận dụng các ngành khoa học thể dục thể thao (TDTT) như: Sinh cơ TDTT, Sinh lý TDTT, Lý luận TDTT, Giải phẩu TDTT) phù hợp với côn nhị khúc và đặc trưng kỹ thuật của võ phái.

Câu 19: Nội dung võ thuật Đức nam – Nhị khúc côn gồm mấy phần chính?

Có 3 phần chính (thế, đòn, bài – đơn luyện, song luyện, đa luyện).

  1. Thế căn bản: Ngoài các thế tay không, môn sinh rèn các thế có sử dụng côn nhị khúc (tấn, thủ côn, bạt côn, chọc, vụt côn, chuyền côn, tung côn,…)
  2. Đòn căn bản: đơn luyện (đơn đòn, liên đòn)
  3. Bài: bài quyền côn nhị khúc, các bài song luyện (giữa côn nhị khúc với đoản côn, trường côn, kiếm, và với côn nhị khúc) và các bài đa luyện (giữa côn nhị khúc chống các loại binh khí và tay không nhiều người).

Câu 20: Thế nào là “Tự lập”?

  • Tự lập không là tự tách mình khỏi tổ chức, cộng đồng. Tự lập là tự giải quyết việc của mình, tạo cuộc sống mình như ông cha ta thường dạy: “Làm người ăn tối lo mai/ Việc mình hồ dễ để ai lo lường”.  Làm việc gì cũng phải lấy tự lập làm gốc, không trông chờ, dựa dẫm, phụ thuộc vào người khác.
  • Để có thể tự lập phải có sự nỗ lực, cố gắng và ý chí mạnh mẽ để vươn lên, vượt qua thử thách, khó khăn
  • Vừa tự lập vừa đoàn kết, tương trợ nhau thì xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Câu 21: Thế nào là “Kiên trì”?

Kiên trì là không bỏ cuộc khi gặp khó khăn; là sự miệt mài, bình tĩnh, khi công việc không như ý muốn. Kiên trì là kết quả rèn luyện, phấn đấu không ngừng. Thông minh mấy cũng phải kiên trì mới phát huy được kiến thức, tài năng.

Câu 22: Thế nào là “Cương”?

  • Theo nghĩa thông thường, “cương” là cứng rắn; trong võ học, “cương” là kỹ thuật lấy sức làm gốc.
  • Về tính thần, “cương” thể hiện ở sự hùng dũng, uy nghiêm, quyết liệt, kiên định lập trường
  • Người cương quyết thường:
  • Quyết định nhanh, đã quyết là làm, là hành động và không quan tâm quá nhiều đến những điều gì khác ngoài điều mà họ cần phải đạt được.
  • Khó bị khuất phục, không chấp nhậnbỏ cuộc
  • Luôn trong tâm thế sẵn sàngtiến lên.
  • Không nóng nảy giải quyết vấn đề.

Câu 23: Thế nào là “Nhu”?

  • Theo nghĩa thông thường, “nhu” là mềm dẻo. Trong võ học, kỹ thuật “nhu” thể hiện qua sự linh hoạt, uyển chuyển, ít dùng sức, xử thế hòa nhã, tế nhị.
  • Nhu là thích nghi khéo léo và không nhu nhược với ý muốn của người trước những đòi hỏi của tình hình phức tạp
  • Người nhu hòa thường không quá nóng nảy hay giận dữ nhưngcũng không quá nhu nhược; thường phản ứng một cách phải lẽ với mọi tình huống; biết tự chủ, đặt mình dưới kỷ luật và vâng phục thẩm quyền.
  • Người tính nhu và người tính cương thường đối lập nhau:người nhu thường mềm mỏng, khéo léo trong giao tiếp trong khi người cương thường quyết đoán khi đưa ra ý kiến và giải quyết vấn đề.

Câu 24: Thế nào là “Cương Nhu tương tác”?

  • Trong võ thuật, lúc bị tấn công hay phòng thủ, võ sinh thường né tránh, xoay chuyển, mượn sức, tạo đà (nhu) rồi mới phản công nhanh, mạnh, chính xác vào mục tiêu (cương)
  • Cương Nhu tương tác không đơn thuần là sự bao hàm cả 2 tính cương và nhu – mà linh động, biến hóa. Có lúc cương nhiều, nhu ít và ngược lại; có lúc nửa cương nửa nhu, tùy hoàn cảnh cụ thể. Nguyên lý Cương Nhu tương tác còn thể hiện trong đời sống tinh thần và cách hành xử của con người. Nếu Cương tượng trưng sự hào hùng, ý chí sắt thép, lòng cương quyết, đức Dũng của con nhà võ thì Nhu biểu tượng tính nhu hòa, điềm đạm và lòng Nhân của người võ sĩ. Có Cương mà thiếu Nhu sẽ không biến hóa, linh hoạt theo từng hoàn cảnh cụ thể; ngược lại, có Nhu nhưng thiếu Cương sẽ không phát huy được hiệu quả tối đa.

Câu 25: Thế nào là “Nhường”?

  • Nhẫn nhịn hay nhường nhịn là chấp nhận để người khác hơn mình, là thái độ hoànhã không có ý định tranh giành hơn thua.
  • Nhường nhịn thể hiện trí tuệ sáng suốt, tính cách điềm đạm, ý chí bền vững, lòng khoan dung vị tha.
  • Trong giao tiếp ứng xử, nhường nhịn không là đầu hàng mà là thông cảm,tha thứ để cuộc sống tốt đẹp hơn.
  • Cuộc sống dù có nhiều va chạm nhưng vẫn phải tôn trọng lễnghĩa. Một trong những bài học lễ nghĩa đầu tiên bài học về sự nhường nhịn.

Câu 26: Thế nào là “Nhẫn”?

  • Nhẫn là chịu phần thiệt thòi về mình. Nhẫn khác vớinhu nhược. Khi bị xúc phạm, tuy không phản ứng, bên ngoài tưởng như là nhẫn nhịn nhưng lòng đầy lo âu sợ hãi thì đó là nhu nhược, nhát gan.
  • Nhẫn nhịn là chịu điều trái ý ta với tấm lòng độ lượng, không khiếp nhược, không để bụng trả thù.
  • Nhẫn nhịn cũng khác vớichai lì. Kẻ chai lì dù làm điều sai, khi bị phát hiện vẫn không xấu hổ mà lại tiếp tục làm điều sai đó.
  • Nhẫn là giữ cho thái độ hòa hiếu, hóa giải những phiền não do sự giận dữ đem lại

Câu 27: Thế nào là “Học vấn”?

  • Học vấn là nguồn kiến thức, kinh nghiệm tích lũy qua quá trình học tập và rèn luyện từ trường lớp, bạn bè, sách báo hoặc từ cuộc sống phong phú xung quanh.
  • Học vẫn là khôn cùng, là vô hạn và được tích lũy trong suốt cuộc đời của mỗi con người.
  • Học vấn chỉ trở nên có ích nếu biết áp dụng vào thực tiễn và đem lại lợi ích chung.

Câu 28: Thế nào là “Hành”?

  • “Hành” là dùng hiểu biết để giải quyết tình huống cụ thể.
  • Nếu chỉ nhớ nhiều lí thuyết mà chưa thực hành thì học vấn chưa trọn; ngược lại, hành mà thiếu lí thuyết thì sẽ khó đạt kết quả tốt và dễ thành kẻ phá hoại.

Câu 29: Sáng tạo là gì?

  • Sáng tạo là hoạt động tạo ra sản phẩm (vật chất, tinh thần) có tính mới và tính ích lợi . Sản phẩm sáng tạo được áp dụng trong phạm vi cụ thể;
  • Tính mới: là sự khác biệt của sản phẩm sáng tạo so với sản phẩm cùng loại trước đó
  • Tính ích lợi: sản phẩm sáng tạo không chỉ tăng lợi ích cho bản thân mà còn cho người khác (gia đình, cộng đồng, nhân loại). Việc đánh giá lợi ích của sản phẩm sáng tạo phải do người sử dụng quyết định.
  • Một sản phẩm sáng tạo thường chỉ có ích trong không gian, thời gian, hoàn cảnh, điều kiện… cụ thể. Hiếm sản phẩm nào có ích trong mọi nơi, mọi lúc, với mọi người

Câu 30: Nhận đẳng hiệu võ sư Đức Nam – Nhị khúc côn?

Để nhận đẳng hiệu võ sư của võ phái Đức Nam – Nhị khúc côn, huấn luyện viên phải đạt 4 tiêu chuẩn sau:

  • Tốt nghiệp cao đẳng trở lên
  • Có công lao phát triển võ phái (1)
  • Có minh chứng giúp ích cho cộng đồng (2)
  • Bảo vệ thành công luận án võ học côn nhị khúc trước Hội đồng võ sư của võ phái (3)

Trường hợp đặc biệt do sư trưởng xem xét, quyết định.

Võ phái Đức Nam – Nhị khúc côn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *