Chuyển tới nội dung

CÂU CHUYỆN RÈN ĐỨC KỶ NIỆM NGÀY THÀNH LẬP VÕ PHÁI

  • bởi


Võ sư Hoàng Ngọc Hùng
Trưởng BĐH Võ phái Đức Nam Nhị khúc côn

Ngày 21.9.2021 tại New York, Mỹ, trong bài khai mạc Kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 76, ông Antonio Guterres tổng Thư ký Liên hiệp quốc đã phát biểu về “sự suy thoái đạo đức đang đẩy thế giới tới bờ vực thẳm” và kêu gọi sự thức tỉnh. Nhân kỷ niệm sinh nhật võ phái Đức Nam Nhị khúc côn lần thứ 8, xin có đôi điều về “đức” qua góc nhìn văn hóa phương Đông.
***

Chữ Đức tiếng Trung là 德, âm Hán Việt là “đức” – chỉ đạo đức, phẩm hạnh. Để nhớ chữ này, người học chữ Hán có câu văn vần về thứ tự các nét của chữ đức:
“Chim chích mà đậu cành tre
Thập trên tứ dưới nhất đè chữ tâm.”
Do chữ 德 được tạo thành từ 5 bộ thủ:
(1) bộ xích (bộ chim chích 彳)
(2) bộ thập ( 十)
(3) bộ mục(目)
(4) bộ nhất( 一)
(5) bộ tâm(心)
.
Bộ xích (彳) như 3 khớp xương (đùi, bắp chân, bàn chân) ở người kết lại với nhau để đi từng bước nhỏ. Chỉ những bước chân chậm rãi, kiên trì từng bước hướng lên trên. Muốn rèn “đức” cần có thời gian tích lũy, thực nghiệm, không chỉ một bước mà thành. Phía bên phải của “đức” là (十目一心) “thập mục nhất tâm”
.
Bộ thập (十) nghĩa đen là 10, hiểu rộng là sự thập toàn thập mỹ, mười phân vẹn mười từ việc thu thập, trãi nghiệm sự thông tuệ, tốt lành từ thế giới mười phương; ngược lại, dù ở đâu, phương nào, lúc nào cũng cần lấy đức khi ứng xử giữa người với người, giũa người với tạo vật.
.
Bộ mục (目) là nhìn/mắt – người rèn đức, người có đức là người có sự ngắm nhìn, quan sát tinh tường để không chỉ để phân biệt đúng sai, thật giả, tốt xấu, lợi hại mà còn để chọn tốt/lợi, thiện/lành, chọn đại cuộc hay tiểu lợi/tư lợi,…
.
Bộ nhất (一) là 1 – nhưng khi đặt 1 vào chữ đức lại có ý thống nhất thành một thể/tổng thể, toàn bộ. Người có đức chọn đại cục làm trọng, không tư lợi, (十目) “thập mục” trên chữ “nhất” (一) như nhìn khắp nơi (và “khắp nơi [trời, người, dư luận] đều có sự quan sát về mỗi người), mọi lúc đều có sự quan sát của thiên ý, thiên lý, luật pháp. Ngược lại cũng đòi hỏi sự quan sát của cá nhân đến môi trường xã hội, tự nhiên quanh mình – dù rèn hình ý trong võ thuật để ứng xử kịp thời và phù hợp với đối thủ trước sau trái phải hay luyện ứng xử với người nam nữ già trẻ cho phù hợp với phong tục lễ nghi cũng thuộc về “thập mục”.
.
Bộ tâm (心): tâm hồn, tấm lòng, (nội tâm, thế giới bên trong không chỉ với 6 sự muốn (lục dục: 六欲 ): 1. Sắc dục: ham muốn nhìn thấy sắc đẹp. 2. Thinh dục: ham muốn nghe âm thanh êm tai. 3. Hương dục: ham muốn ngữi mùi thơm dễ chịu. 4. Vị dục: ham muốn món ăn ngon miệng. 5. Xúc dục: ham muốn xác thân sung sướng. 6. Pháp dục: ham muốn ý nghĩ được thỏa mãn.
.
Còn có cả 7 dạng tình (thất tình): hỷ (mừng), nộ (giận), ái (thương), ố (ghét), ai (buồn), lạc (vui), dục (muốn). Cả 6 muốn và 7 tình đều cần mỗi người chủ động tìm cầu hiểu biết, lựa chọn, uốn nắn, rèn tập thử nghiệm (qua ý nghĩ, lời nói, động tác, hành vi ứng xử gia đình, xã hội, chiêu thức, bài quyền,…) trên đường tu dưỡng, giáo dục suốt đời để thay đổi theo hướng tiến bộ như bộ xích (彳). Người có đức tốt chính là một người có tâm đáng quý vì ứng xử phù hợp thiên lý vĩnh hằng – không chỉ là sự hùa theo nhất thời của đám đông trước mắt.
.
Sách “Thuyết văn giải tự 說文解字 / giảng giải ý nghĩa và phân tích hình thể chữ viết)” giải thích: “Đức, thăng dã. Tùng xích thanh”, tạm dịch là: “Đức, (là) cảnh giới nhờ việc làm tốt mà thăng hoa”. Điều gọi là “việc làm tốt” ở đây là việc giúp ích tha nhân, giúp ích cộng đồng – một trong những nội dung thể hiện phần đức của cá nhân môn sinh cũng như của võ đường Đức Nam Nhị Khúc côn (ĐNNKC) qua việc “giúp ích cộng đồng”. Cá nhân, tập thể tồn tại nhưng chưa giúp (cho cộng đồng thêm lợi) ích là chưa thành quả về rèn đức, lập đức.
.
Xin tạm dừng với một chuyện từ Thư kinh 書經 (còn gọi là Kinh thư 經書, một bộ phận quan trọng trong Ngũ Kinh, thuộc loại sách kinh điển của Nho gia, nội dung ghi lại các truyền thuyết, biến cố về thời rất xưa ở Trung Quốc) tả 9 đức mà “phái viên ĐNNKC” (nói gọn nội bộ võ phái, gồm “võ sư, huấn luyện viên, hướng dẫn viên”) lưu ý hơn: “Khoan nhi lật, nhu nhi lập, nguyện nhi cung, loạn nhi kính, nhiễu nhi nghị, trực nhi ôn, giản nhi liêm, cương nhi tắc, cường nhi nghĩa”; là những đức mà cần rèn (tạm dịch là):
.
(1) khoan dung đại lượng nhưng cũng nghiêm túc cung kính,
(2) tính tình ôn hòa nhưng lại có chủ kiến,
(3) cẩn thận tỉ mỉ nhưng cũng trang trọng nghiêm túc,
(4) có tài quản trị nhưng cũng thận trọng,
(5) giỏi lắng nghe ý kiến của người khác nhưng cũng cương nghị quyết đoán,
(6) hành vi chính trực nhưng thái độ ôn hòa,
(7) khoáng đạt giản dị nhưng cũng chú trọng cả những việc nhỏ,
(8) cương trực nhưng cũng vẹn toàn,
(9) kiên cường dũng cảm nhưng cũng phù hợp đạo nghĩa.
.
Có thể thấy:
.
1. Đức ở mỗi người không chỉ ảnh hưởng đến đời người đó mà còn tác động đến cộng đồng (gia tộc, gia đình, bằng hữu, đồng môn, đồng chí,…). Võ phái Đức Nam Nhị khúc côn là một tổ chức giáo dục, vì vậy, mục tiêu rèn đức vừa thể hiện qua nội dung võ lý theo từng cấp đai vừa do ôn luyện, kiểm tra, đánh giá từ câu lạc bộ, võ đường, võ đạo đường.
.
2. Võ phái Đức Nam Nhị khúc côn là tổ chức giáo dục tích hợp đa văn hóa, nói “giáo dục suốt đời” không chỉ để mỗi Việt Võ sĩ Đức Nam Nhị Khúc côn chủ động thăng tiến hợp hoàn cảnh và tuổi tác trên đường đời mà còn nhắc sự chủ động rời cõi tạm với sự bình an yên nghỉ khi cao tuổi hay do tai nạn. Chủ động chuẩn bị việc này là một trong những nội dung nghiêm túc như sư trưởng đã nêu gương hiến tạng và trưởng ban điều hành đã di chúc hỏa táng. Môn sinh Đức Nam Nhị Khúc côn sống tích cực, giúp ích và ra đi với sự an bình.
.
3. Phẩm tính “đức” ở mỗi phái viên ĐNNKC là con đường vừa kiên trì rèn đức theo nhu cầu của thời đại, vùng miền, hương ước, gia quy vừa chủ động giúp môn sinh tập nhắc nhau về đức, bổ sung sự hiểu biết về đức, lựa chọn, uốn nắn, rèn tập thử nghiệm về đức một cách cụ thể, dễ hiểu từ ý nghĩ, lời nói, chữ viết [theo teen code hay giữ sự trong sáng của tiếng Việt], không chỉ điều chỉnh động tác [đi, đứng, cúi chào, nhìn thẳng, ngồi ngay,…cho đến nâng chén, cụng ly,…] theo hướng chuẩn xác hơn mà còn trong hành vi ứng xử với người trên, với bạn đồng cấp, với đồng môn cấp dưới, tự giác kiên trì khổ luyện trong học tập, trong nghề nghiệp, trong chiêu thức [cường độ, tốc độ, mục tiêu,…], trong bài quyền,… vui giúp nhau trên đường tu dưỡng, tự giáo dục suốt đời để thay đổi tâm đức theo hướng tiến bộ.

CHÚC QUÝ MÔN SINH VUI KHỎE, BÌNH AN, TIẾN BỘ!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *