Chuyển tới nội dung

THƯ CHÚC TẾT ẤT MÙI 2015

  • bởi

Xuân đi như một vòng tròn

Người đi như một vết ngang lưng trời

Còn chăng tiếng khóc nụ cười

Còn chăng lệ đá nhớ lời vàng xưa

Quý vị võ sư, Huấn luyện viên, Môn sinh Đức Nam – Nhị Khúc Côn thân mến!

Hôm nay là ngày 31/12/2014, ngày cuối cùng của năm 2014, tôi viết lá thư này gửi đến toàn bộ quý vị Võ sư, Huấn luyện viên và toàn thể các em môn sinh nhằm chia sẻ và giới thiệu về Võ phái Đức Nam – Nhị Khúc Côn, rất mong nhận được sự đồng tình ủng hộ của toàn thể các bạn yêu thích võ thuật nói chung và bộ môn Côn nhị khúc nói riêng (tên gọi khác nhị khúc côn, côn hai khúc, lưỡng tiết côn, nhị đoạn côn, song tiết côn, Nunchaku)

HÌNH THÀNH 

Ý nghĩa tên võ phái: Chữ “ĐỨC (đạo đức)” – mục tiêu của người tập là rèn đức.

Chữ “NAM (Việt Nam)” nhắc nguồn sáng lập võ phái là của người Việt Nam (trên thế giới có nhiều bài múa côn nhị khúc nhưng chưa có riêng võ phái côn nhị khúc với hệ thống đòn, thế, chương trình đào tạo cơ bản đến nâng cao về võ thuật, võ đức).

Nhị khúc côn – dụng cụ luyện tập của môn sinh. Cụm từ “ĐỨC NAM NHỊ KHÚC CÔN” là tâm nguyện của môn sinh (qua việc tập côn nhị khúc để tăng sức khỏe, rèn đạo đức, làm công dân Việt Nam mẫu mực).

Võ phái góp phần phát triển nghệ thuật côn nhị khúc phục vụ đất nước và nhân loại, thúc đẩy môn sinh hoàn thiện bản thân trở thành công dân mẫu mực giúp ích cộng đồng. Ba nội dung chuyên võ (võ thuật, võ đức, võ lực) được cơ cấu thành mỗi ban với sự tham gia của các võ sư, các huấn luyện viên của võ phái Đức Nam Nhị khúc côn và các Nhà chuyên môn; 3 ban có sự lãnh đạo của võ sư trưởng.

– Ban Nghiên cứu phát triển chương trình võ thuật: Các võ sư, Huấn luyện viên, Các nhà chuyên môn

– Ban Nghiên cứu phát triển chương trình võ đức: Các võ sư, Huấn luyện viên, Các nhà chuyên môn

– Ban nghiên cứu phát triển chương trình võ lực: Các võ sư, Huấn luyện viên, Các nhà chuyên môn

VÕ THUẬT: Dựa trên ĐÒN của các võ phái, trên các BÀI côn nhị khúc của Karatedo, Taekwondo, Võ cổ truyển, Võ gậy Phillipines, để hình thành kỹ thuật Đức Nam – Nhị Khúc Côn theo nguyên tắc “1 thành 3” của môn phái Vovinam. Từ ĐÒN, BÀI để xây dựng CHƯƠNG TRÌNH từ cơ bản đến nâng cao với các nội dung (thế, đòn, bài – đơn luyện, song luyện, đa luyện) và đây là nét mới về cấu tạo chương trình luyện côn nhị khúc: Thế căn bản: Ngoài các thế tay không, môn sinh rèn các thế có sử dụng côn nhị khúc (tấn, thủ côn, bạt côn, chọc côn, vụt côn, chuyền côn, tung côn,…) Đòn đơn luyện (đơn đòn, liên đòn và bài quyền côn nhị khúc), Bài đối luyện: Gồm các bài song luyện (giữa côn nhị khúc với đoản côn, với trường côn, với kiếm, và với côn nhị khúc) và các bài đa luyện (giữa côn nhị khúc chống các loại binh khí và tay không nhiều người).

VÕ ĐỨC: Võ phái Đức Nam – Nhị khúc côn là sản phẩm văn hóa truyền thống của nhân loại, do người Việt sáng lập nhằm góp phần dưỡng nhân tính, rèn nhân cách, tu nhân đức để tự thắng. Đức Nam Nhị khúc côn không chỉ là loại hình vận động thể dục thể thao giản đơn mà còn là văn hoá võ đức thượng tôn võ đạo, trọng pháp luật, tôn sư trọng đạo. Đường lối phát triển của võ phái trước tiên coi trọng võ đức, hiểu công lý, coi trọng học vấn. Vì thế, để chính thức nhận đẳng hiệu võ sư Đức Nam Nhị khúc côn, môn sinh phải tốt nghiệp đại học và bảo vệ thành công luận án võ học côn nhị khúc trước hội đồng võ sư của Võ phái. Lý thuyết, bài giảng võ đức phù hợp chương trình đẳng cấp của võ phái, thường xuyên kiểm tra, đánh giá môn sinh và đưa ra những biện pháp hỗ trợ, giúp môn sinh tự rèn đức tính.

VÕ LỰC: Coi trọng huấn luyện thể lực cho môn sinh phù hợp với quy luật giáo dục thể chất và đặc điểm huấn luyện thể thao; ngoài ra còn kết hợp giữa huấn luyện thể lực chung và thể lực chuyên (võ sinh côn nhị khúc) trong huấn luyện môn sinh. Võ phái Đức Nam – Nhị khúc côn sử dụng nhiều hình thức khác nhau để nâng khả năng chức phận của cơ thể người tập, làm phong phú vốn kỹ năng kỹ xảo cho môn sinh, là quá trình phát triển toàn diện thể chất của môn sinh. Trong huấn luyện, Võ phái vận dụng các ngành khoa học thể dục thể thao (TDTT) như: Sinh cơ TDTT, Sinh lý TDTT, Lý luận TDTT, Giải phẩu TDTT) phù hợp với côn nhị khúc và đặc trưng kỹ thuật của Võ phái.

Những giây phút cuối cùng của năm 2014, đâu đó ngoài kia nhạc xuân cũng rộng ràng khắp muôn nơi và toàn thể võ phái chúng ta cùng nhau bước tới năm 2015 với đầy thách thức và cùng quyết tâm hướng tới một tương lai phát triển hơn. Tôi xin được trận trọng cám ơn đến tất cả quý vị võ sư, huấn luyện viên, môn sinh và tất cả mọi người đã đọc, chia sẻ với những dòng tâm sự của tôi cũng như trân trọng những đóng góp tâm huyết cho sự phát triển của võ phái trong suốt một năm hình thành và phát triển vừa qua cũng như trong những năm sắp tới. Thay mặt cho võ phái xin được gửi những lời chúc chân thành nhất đến gia đình võ phái Đức Nam – Nhị Khúc Côn và các gia đình nhỏ một năm nhiều may mắn và hạnh phúc.

Thân mến!

Lâm Giang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *