Chuyển tới nội dung

VĂN HÓA VÕ VIỆT

  • bởi

I. KUNGFU

1. Tiếng Việt là “công phu”. Công là “thành tựu” hay “giá trị”; phu là “người” → “công phu” có nghĩa là “thành tựu của con người” ≈ thành tựu đạt được nhờ nỗ lực lớn.

2. Nói về một kỹ năng đạt được nhờ rèn luyện (A phải qua nhiều năm luyện tập rất công phu mới đàn giỏi như thế – kỹ năng “đàn”)

3. Một thuật ngữ China (được giới nói tiếng Anh dùng khi chỉ chung võ thuật China) từ thập niên 1960 sau loạt phim võ thuật Hồng Kông, Lý Tiểu Long, và sau đó là loạt phim truyền hình Kung Fu.

II. VĂN HÓA VÕ VIỆT

  1. Lược sử:
NĂM SỰ KIỆN
218 – 217 TCN chống xâm lược từ Nhà Tần
đầu CN chống xâm lược từ Nhà Hán Hai Bà
938 chống xâm lược từ Nhà Hán Ngô Quyền
1075 chống xâm lược từ Nhà Tống
1253 lập Giảng Võ đường Trần Hưng Đạo
1258 chống xâm lược từ Nhà Nguyên lần 1
1285 chống xâm lược từ Nhà Nguyên lần 2
1287 chống xâm lược từ Nhà Nguyên lần 3
1418 chống xâm lược từ Nhà Minh lần 1
1620 thời Trịnh Nguyễn phân tranh

tướng Nguyễn Hữu Tiến – Nhà Nguyễn Võ phái Bạch Hổ

1771 chống xâm lược từ Nhà Thanh lần 1 Tây Sơn

Việt Nam có lịch sử hơn 4000 năm ≈ văn mình cổ đại như Trung Quốc, Ba Tư, Ai cập ≥ Đế Chế La Mã (hơn gần 1000 năm). Từ năm 938 Ngô Quyền thắng Nam Hán tới nay qua 1073 năm. Mỹ lập quốc ở thế kỷ 18, Tây Ban Nha 15, Nga 16 tương đương cuối nhà Lê sơ ở Việt Nam – khi Viêt Nam đánh nhau với Tống, Nguyên (Mông), Minh, thì các nước này vẫn chưa ra đời.

Kết luận: võ Việt Nam xuất hiện từ lâu đời

2. Tổ võ Việt: Một số môn phái võ Việt coi danh tướng Trần Hưng Đạo (1213- 1300) người 3 lần chống quân Nguyên Mông, là tổ võ Việt vì năm 1253 đã lập Giảng Võ Đường để dạy võ trong quân đội (Thailand lập quốc năm 1238). Việc Trần Hưng Đạo được gọi là danh tướng thế giới đã ghi trong Từ điển bách khoa Encyclopedia Britannia (EB) là một trong những bách khoa thư đồ sộ nhất thế giới gồm 30 volumes (tập): mục từ Trần Hưng Đạo được in ở volumes X, trang 88, có 38 dòng, 270 từ (ký hiệu TVKHTH: Z 256) .

3. Thượng võ: Ưa võ, trọng võ lực, chơi đẹp. Không chỉ học võ để tự vệ, người Việt còn hăng hái tham gia các cuộc thi đấu. Trước đây, mỗi dịp lễ có các gánh hát và thi đấu võ thuật. Ở Thốt Nốt tp Cần Thơ, còn lưu truyền mấy câu ca dao:

Chợ Thốt Nốt có lập đài đấu võ

Chợ Cờ Đỏ tuy nhỏ mà đông

Thấy em buôn bán anh chẳng vừa lòng

Để anh đi đánh võ kiếm tiền đồng nuôi em.

3. Nhà võ: Ở Việt Nam, cùng với các danh hiệu “nhà giáo”, “nhà văn”, “nhà thơ”,…có “nhà võ” để nói về những người đã chọn võ nghiệp (“nghề” nói đến hiểu biết và kĩ năng chuyên sâu về lĩnh vực chuyên môn nào đó; “nghiệp” thông thường chính là “duyên nợ” với một nghề tự nguyện lựa chọn và đeo đuổi suốt đời – không có giới hạn nghỉ hưu)

Nhà võ thường nghĩa khí, trung thực, tự trọng. Người nghĩa khí sẵn sàng hy sinh cho việc nghĩa – ở phạm vi hẹp là việc giúp người khác đang gặp hoạn nạn, ở phạm vi rộng là nhận việc lớn, đại nghĩa, lợi ích nhiều người dù phải dấn thân, nặng nhọc, hy sinh, thiệt thòi về phần mình. Nhà võ trọng nghĩa, không vì danh, vì lợi mà hại uy danh của môn võ.

Đại nghĩa của nhà võ là:

  • Tận tụy dạy học trò thành người giúp ích,
  • Bảo tồn, lưu truyền, phát triển môn võ
  • Nâng cao uy danh môn võ mà không kể công .

Không làm điều mờ ám, mang ơn thì phải ra sức đền đáp, gây oán thì phải tìm cách trả nợ cho người, không xu nịnh, không ám hại người sau lưng. Đối với con nhà võ thì việc giữ chữ tín hết sức quan trọng. Nó là thước đo phẩm chất của từng con người.

4. Văn hóa võ Việt (VHVV): Là sản phẩm của người Việt (người Kinh + các dân tộc ít người khác ở Việt Nam), VHVV được tạo ra và phát triển trong quan hệ qua lại giữa nhà võ Việt Nam và xã hội Việt nam. VHVV tham gia vào việc tạo nên con người, và duy trì sự bền vững và trật tự xã hội

5. Các thành phần chính trong VHVV:

1.Văn hóa võ vật: Người ViệtNam ưa xem đấu vật. Vật Việt mùa Xuân, hội hè. Tiếng trống vật nổi lên thu hút mọi người đến quanh sới vật; người ta bình luận say sưa, chê khen rành rọt từng thế, từng miếng vật, từng keo vật từng tác phong của mỗi đô. Tập đấu vật ngoài tính giải trí còn thêm cường tráng, Khi giao đấu bàn tay mở để cầm nắm, quăng quật. Nơi đấu là sới vật, người đấu là đô vật – đô vật bậc thầy được tôn là trạng (tiến sĩ) vật, nơi dạy vật là lò vật.

Vật Việt không chỉ cần mạnh mà còn phải có kỹ thuật (thế, miếng) nhanh, đúng lúc – lúc bất ngờ, có miếng lúc giằng co, đánh ở tư thế nằm (nằm bò)..

2. Văn hóa cương nhu: Võ Việt luôn coi trọng tính chất cương nhu, cương nhu phối triển, cương nhu tương tế. Không chỉ cương nhu khi tự rèn, khi giao đấu mà còn qua sự việc hàng ngày về đối nhân xử thế, trong lao động, học tập…. Khi đấu, cương đối cương cần nhanh, trúng (đúng), chắc trong quan hệ phát chiêu liên hoàn không đòi hỏi khéo léo nhưng khi tự luyện với bài Quyền thuần cương đòi hỏi tinh thần ngoan cường, ý chí bền bỉ, tuân thủ máy móc các yêu cầu của bài. Thế tấn võ ta thường không hoàn toàn bám đất, dễ xoay trượt (đứng như đá chuyển như lá). Đòn đánh như thực nhưng thường giả công; thường liên đòn để khắc công, phản công. Đòn tay thường hợp binh công thủ, không theo quy tắc. Do nhỏ con nên thường dùng đòn ngắn, ít vươn cao, vươn xa.

Trong thân thủ, di chuyển thường nghi binh, không đối đầu lộ liễu, gây bất ổn cho đối phương.

Trong giao tiếp, khi bạn nóng nảy thì ta kìm chế, khi bạn yếu đuối thì ta mạnh mẽ giúp bạn vượt khó. Gặp kẻ địch mạnh thì nhu rồi mới cương đó là (kế “vườn không nhà trống”, “vờ chạy”,…); khi địch rơi vào thế yếu, lúng túng thì ta phải thật cương mãnh, quyết liệt, đánh tiêu diệt, đuổi kẻ thù qua tận đất họ, cuối cùng lại nhu để giữ sĩ diện cho đối phương qua việc cử người cầu hòa sau chiến thắng. Dùng “cương nhu tương tế” trong võ thuật và cuộc sống là cả một nghệ thuật lớn

3.Văn hóa luyện sức: Nhờ môi trường tự nhiên sông, suối, thác, biển; thân cây (chuối, cau, dừa, tre,…), lợn con, lưng trâu, hố nhảy, hàng mía,

4.Văn hóa lập đòn: những cử động (động tác: đòn tấn công, đòn đỡ gạt, đòn phản công, đòn tự vệ) gây bất lợi cho đối thủ (đau, tê, liệt, bất tỉnh, ngoại thương, nội thương, chết). Gọi là đòn hóa giải khi dẫn đòn đối phương vào kết quả mất lực, vào khoảng không. Tên gọn của đòn (đấm, đá, đạp, xỉa, chặt, đâm, móc, đập, ép, chặn, thúc, lên, huých, húc), đỡ (đỡ, gạt, chụp, bắt, nắm, chặn, chắn, ép, nâng)

5.Văn hóa võ khí (trên cơ thể): Toàn thân gia binh

6.Văn hóa võ khí nhân tạo: Từ môi trường tự nhiên: mộc – gỗ, tre, tầm vông, mây (côn [dài, ngắn] côn theo China là đoạn cây (chữ côn thêm bộ mộc là gậy), có nơi gọi là bổng (bảng), xưa nữa còn là “đĩnh”, “bội”. Người Việt thường gọi “gậy”, miền trung “roi”; có vũ khí bằng kim loại (đao [cán ngắn, cán dài], kiếm [lưỡi ngắn, lưỡi dài, cong, thẳng]), khiên, cung, nõ, dải lụa. Từ nghề nghiệp (đinh ba, bồ cào, câu [liềm], rìu [búa], bút chì, thiết lĩnh, nõ, cung). Từ đối kháng ngoại xâm (song xỉ – kỵ binh quân Nguyên). Hệ thống 18 ban võ nghệ Việt Nam (gồm cả võ khí trên cơ thể) có từ thời Lê và được đưa vào nội dung thi chọn các cử nhân, tiến sĩ võ (chủ yếu bao gồm bắn cung, phóng lao, lăn khiên, cưỡi ngựa, múa giáo, múa siêu đao, múa kiếm, đấu kích, múa côn, đánh quyền,…).

7.Văn hóa tổng hợp đòn – Bài thảo, bài quyền – quyền phổ:

Quyền (China) là nắm tay – cách dùng quyền (đối kháng) gọi là “quyền thuật”. Bài quyền gồm nhiều động tác cá nhân theo trật tự để luyện tâm ý khí lực nhằm nâng hiệu quả tấn công, phản công, hóa giải, dưỡng sinh.

Phổ (phả) là sự liệt kê, tập hợp có hệ thống. “Quyền phổ” là sự sự liệt kê, tập hợp có hệ thống các động tác võ theo 2 yếu tố chính:

– Cách ứng dụng động tác võ (từng động tác, nhóm động tác – đơn đòn, liên đòn) hiệu quả khi tấn công, phản công, hóa giải.

– Cung cấp lý luận (giải thích) mục đích, tác dụng, hiệu quả từng động tác, nhóm động tác – tinh túy của mỗi bài quyền (quyền phổ) – bài quyền tay không, bài võ khí

8.Văn hóa đối luyện (song luyện): Là những bài phối hợp các đòn (tấn công, phản công,…) cho hai người tập

9.Văn hóa dạy và học bài quyền – Thiệu: Lời thiệu, bài thiệu, ca quyết là văn bản tóm tắt nội dung, đặc điểm của một bài quyền.

Lời thiệu võ Việt không chỉ chú trọng liệt kê các chiêu thức từ đầu đến cuối bài, nhấn mạnh đặc điểm đòn thế mà thường có vần điệu.

Nếu lời thiệu gọi rõ theo hình đòn thì gọi là thiệu võ;

Nếu gọi ẩn dụ thì gọi là thiệu văn – chỉ môn sinh mới biết nội dung, ý nghĩa, mục đích và cách thức sử dụng đòn thế trong bài quyền đúng ý tác giả.

Thiệu võ theo dạng thơ (Ngũ ngôn [Đồng Nhi quyền], Tứ tuyệt [Bát quái côn, Ngọc trản, Thiền sư; Thất ngôn như: Hùng kê quyền, Lão mai quyền, Thái Sơn côn, Siêu xung thiên, Độc lư thương…], Thất ngôn) theo thể Đường luật (China), lục bát (Việt Nam) như Tứ linh đao, Huỳnh long độc kiếm.

10.Văn hóa Võ trận:

  • Võ trận là những đòn võ chuyên dụng cho binh sĩ ở chiến trận, ít hoa mỹ nhưng thực dụng hay bài quyền (tay không, binh khí)
  • Võ trận là các bài tấn công đông người với sự phối hợp của từng nhóm trong tập thể theo hiệu lệnh âm thanh (thường là trống), hiệu lệnh màu sắc (thường là cờ) – võ trận là một trong các bài bản chỉ huy tác chiến dành cho các võ tướng. Lấy lòng yêu nước, ý chí quật cường, lý tưởng tự chủ làm chính nghĩa, đoàn kết trên dưới một lòng, lập thànhvõ trận quật khởi chống quân xâm lăng.
  • Có vị tướng đời nhà Trần khi về xã Liễu Đôi thao binh luyện tướng; đã trao lại cho xã Liễu Đôi một cuốn binh thư có tên là Võ trận. Người dân Liễu Đôi truyền đời phải học thuộc cuốn binh thư đó.
  • Võ trận Đại Việt là tên của võ đường được võ sư Nguyễn Minh Tuấn lập năm 2001 tại Trung Tâm Thanh Niên Catholic Charity Youth Center, đường số 1 San Jose, USA.

Triết lý võ trận (binh thư): Nếu địch cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Địch quân kéo đến như lửa, gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó đến chậm như tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy.

11.Văn hóa Hội nhập:

Võ Việt trong nước, riêng tại TP HCM đã có 54 võ phái hoạt động, tính trên toàn quốc thì gần 70 (đáng chú ý như: An Thái Bình Định, Tây Sơn Bình Định, Tây Sơn Bạch Long, Thanh Long Võ Đạo, Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà, Lam Sơn Võ Đạo, Nam Tông, Hàn Bái, Trung Sơn Võ Đạo, Ngũ Hổ Trấn Môn, Sa Long Cương, Thất Sơn Quyền, Nam Hồng Sơn, Bình Định Gia,…)

Ở nước ngoài, chậm nhất là năm 1957 khi võ sư Nguyễn Đức Mộc mở võ đường Song Long Quyền Thuật tại Pháp. Sau đó, các du học sinh, những người Việt Nam định cư ở nước ngoài tiếp tục truyền bá hoặc một số ngoại quốc đến Việt nam học võ Việt hoặc mời võ sư Việt  ra nước ngoài tập huấn . Hầu hết các võ phái đều dùng tên gọi các bài quyền, đòn thế bằng tiếng Việt. Bên những võ sư giữ nguyên danh xưng Việt (Lam Sơn Võ Đạo, Kiến An Công Phu, Thần Quyền, Tây Sơn Nhạn, Tinh Võ Đạo…) cũng có người kết hợp bài bản võ và vật Việt Nam với (một hoặc một số) võ phái khác để hình thành võ phái mới (Vovinam, Quán Khí Đạo, Hoà Long Võ Đạo, Cửu Long Võ Đạo, Tráng Sĩ Đạo,..).

Võ Việt hiện nay vừa có tính bản sắc, cổ truyền vừa có tính hội nhập các kỹ thuật võ China (trước 1975: Thiếu lâm (các phái), Thái cực quyền; sau 1975: Wushu), Japan (Karatedo, Judo, Aikido, Kendo), Korea (trước 1975: Taekwondo ITF, Hapkido; sau 1975: Taekwondo WTF), Thailand (Thai boxing [Muay Thai], Kick boxing), United Kingdom (Traditional Boxing), Phillippine (Arnis), Indonesia (Boxing AA Boxer [Tarung Derajat Indonesia]).

12.Văn hóa võ Việt trong Lễ hội:

  • Lễ hội vật cầu: Tương truyền, vật cầu vốn là môn thể thao do tướng Phạm Ngũ Lão (đời Trần) đặt ra để rèn luyện quân sỹ. Sau khi chiến thắng quân Nguyên trở về, tướng quân Phạm Ngũ Lão cùng quân sĩ đã dùng củ chuối hột làm quả cầu và ch­ơi trò vât cầu để rèn luyện quân sĩ. Và từ đó, dân làng lấy trò chơi này để đưa vào trò chơi đầu năm để đón xuân mới, lâu ngày trở thành lễ hội vật cầu truyền thống của Kim Sơn. Lễ hôi vật cầu thường tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng tại sân đình
  • Hội vật làng Thủ Lễ: Sáng 5.2, hàng ngàn người khắp nơi rộn ràng đổ về đình làng Thủ Lễ (thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế) xem hội vật truyền thốngđầu năm.
  • Hội vật làng Sình: Sáng 4.2 (nhằm ngày 10 tháng Giêng), hàng ngàn người dân và du khách đã đổ về đình làng Lại Ân (còn gọi là làng Sình) thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế) để dự lễ hội vật. Đây là một hoạt động văn hóa – thể thao truyền thống có lịch sử hơn 400 năm của vùng đất cố đô. Hội vật năm nay có hơn gần 100 đô vật là thanh thiếu niên ở các huyện Phú Vang, Hương Trà, Quảng Điền và TP Huế tham gia tranh tài. Bất kỳ khán giả nào (là người địa phương) cũng có thể đăng ký lên sới vật thi đấu. Các đô vật được chia thành 2 lứa tuổi thanh niên và thiếu niên; người thắng cuộc phải vật ngã ngửa đối phương, làm cho lưng chạm đất; một đô vật phải hạ liên tiếp ba đối thủ mới được vào vòng bán kết, chung kết. Ngoài các khoản tiền thưởng, giải thưởng truyền thống dành cho người thắng cuộc hội vật là mâm cau trầu và rượu của các bô lão làng Sình trao tặng.
  • Hội vật làng biển: 24.2, tại làng biển Trung An (xã Hải An, H.Hải Lăng, Quảng Trị) đã diễn ra hội vật truyền thống. Lễ hội có từ lâu đời, tổ chức thường niên nên dù trời mưa nhưng đông đảo người dân vẫn nô nức kéo ra trảng cát, chuẩn bị vào hội. Sau khi các vị chức sắc của làng làm các lễ nghi cần thiết, hội vật đã được diễn ra trong tiếng trống hội rộn rã, với sự tranh tài của những thanh niên lực lưỡng. Hội vật được chia ra theo từng lứa tuổi, đấu loại để tìm ra người xuất sắc nhất, ngoài đề cao tinh thần thượng võ còn có ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, để dân làng có những chuyến biển bình yên.
  • Hội vật Hồng Hà: mùng 4 Tết tiếng trống hội vật đầu xuân xã Hồng Hà (Đan Phượng, Hà Nội) lại vang lên giục gọi các đô vật từ khắp các vùng lân cận đến đua tài. Hội vật cổ truyền là nét văn hóa truyền thống từ ngàn xưa của dân tộc. Theo cụ Phạm Văn Thái, người làng Bá Dương Nội (xã Hồng Hà) thì hội vật đầu xuân ở xã Hồng Hà được tổ chức từ bao đời nay vào các ngày xuân để khuyến khích, hun đúc tinh thần thượng võ của nhân dân. Cho đến hôm nay, các miếng đánh từ ngàn xưa của cha ông truyền lại như miếng “sang sau”, miếng “cuốn”, miếng đánh trên, đánh dưới… vẫn được các đô vật gìn giữ và phát huy trong các trận đấu. Cũng theo cụ Thái, hội vật xã Hồng Hà không phân chia hạng cân, lứa tuổi nên rất đông người tham gia tranh tài. Các “ông đô” thi đấu trong hội vật năm nay, ngoài những thanh niên làng còn có nhiều đô vật đến từ các lò vật có tiếng khác như Thạch Thất, Từ Liêm (Hà Nội), Cát Quế (Hoài Đức, Hà Nội), Đồng Quang (Quốc Oai, Hà Nội)…Hội vật Hồng Hà diễn ra trong 5 ngày (từ mồng 4 đến mồng 8 tết)
  • Hội vật Liễu Đôi: Hội vật Liễu Đôi được tổ chức ở làng Liễu Đôi, xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Ở các lễ hội khác, vật võ chỉ là trò vui thể thao thì trong lễ hội Liễu Ðôi này, vật võ lại là nội dung chính của ngày hội. Truyền thuyết Liễu Đôi kể rằng ở đây có một chàng trai họ Đoàn có sức mạnh phi thường lại giỏi võ, một mình địch nổi năm trai tráng trên sới vật. Một hôm, ở Nương Cửi, tự nhiên có một ánh sáng xanh chói lòa phát ra, dân làng vô cùng hoảng sợ, chỉ có chàng trai họ Đoàn nọ dám đi tới và nhận thấy ánh sáng ấy phát ra từ một thanh gươm đặt trên một tấm khăn đào. Chàng trái bái tạ thần linh, tay cầm gươm, lưng thắt chiếc khăn đào, múa gươm cho dân làng xem. Khi có giặc phương Bắc kéo tới, chàng trai mang gươm ra trận. Trong đoàn quân của chàng có nữ tướng họ Bùi rất dũng cảm, hai người thề ước với nhau. Nhưng không may, chàng trai bị tử trận, thi hài được mang về quê hương. Giặc tan, nữ tướng họ Bùi đến viếng mộ chàng nhưng quá đau thương nên đã chết trên ngựa khi cách mộ chàng chừng vài trăm bước. Dân Liễu Đôi thương nhớ, lập đền Ông thờ chàng, gọi là Thánh Ông, lập đền Bà thờ nữ tướng, gọi là đền Tiên Bà. Hàng năm làng mở hội vật để tưởng niệm, gọi là hội Thánh Tiên (gọi tắt hai chữ Thánh Ông–Tiên Bà), đó là hội vật võ Liễu Đôi. Hội kéo dài từ mùng 5 tháng Giêng cho đến hết ngày mồng 10 tháng Giêng. Đô vật chỉ được đóng khố, không được mặc quần áo. Các đô vật có tục kiêng cởi áo và xỏ áo tay phải trước, vì tay phải là tay cầm giáo, cầm gươm, tay lợi thế trong đấu vật. Cần cởi áo hoặc xỏ áo, họ dùng tay trái trước, vì thế, tay trái còn gọi là tay áo.
  • Hội vật làng Yên Nội (xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội) khai hội ngày 12/2 (âm lịch) được tổ chức chính giữa ao làng, ở khu vực đình làng, đã thu hút hàng ngàn người dân khắp nơi đến xem.
  • Trong lễ hội, phần vẫn là một nội dung không thể thiếu dưới các hình thức biểu diễn, trò chơi dân gian hay thi đấu. Biểu diễn thì có diễn võ, nhạc võ. Thi đấu thì có các hình thức đấu võ đài, phóng lao, bắn cung, đô vật. Trò chơi thì có kéo co, đua thuyền, lắc thúng, nhảy bao bố, chặt gạch, đập ấm. Đó là những hoạt động phong phú, lành mạnh, phản ánh sinh động truyền thống thượng võ của người Việt.
  • Hội đổ giàn: ở An Thái. Một cái giàn cao hàng chục mét, có con heo quay trên ấy và dưới đất là hàng chục võ sĩ từ Quy Nhơn, Đập Đá lên, Bình Khê xuống, Hoài Ân Hoài Nhơn vào, cùng với các võ sĩ An Thái, An Vinh tại chỗ đang chờ đợi. Khi con heo ném xuống là một cuộc “tỉ thí lôi đài” dữ dội để giành cho được con heo kia, dấu hiệu đoàn nào sẽ là vô địch năm này. Lễ đổ giàn với những nghi thức dân gian sinh động như rước nước, tắm tượng, đập động trừ yêu, phóng sinh, chẩn bần, xô cỗ đổ giàn, cướp heo quay, hát án… quả thật là sự hội tụ tưng bừng của nhiều màu sắc, nhiều vẻ đẹp văn hoá hữu thể và vô thể, nhưng sức cuốn hút chính của nó là ở sự tỷ thí võ nghệ một cách sôi động, hết mình. Võ sĩ của các võ đường đổ về An Thái quan sát địa hình suốt mấy ngày trời, rồi ém quân mai phục từ đêm hôm trước. Một số trà trộn trong đám đông đứng xem hội, chờ lễ tế vừa xong, đã thoăn thoắt lên giàn, các võ sĩ canh giàn cản không nổi. Con heo quay trên cỗ xô xuống còn lơ lửng trong không trung đã có người phi thân lên chụp rồi vác chạy. Chụp được đã khó, vác được heo ra khỏi vòng vây còn khó hơn. Vì con heo quay là chiến lợi phẩm danh dự nên các phái võ ra sức tranh giành. Có người giành thì có người cướp. Có người cướp thì phải có người chận cướp mở đường cho phe mình chạy. Đánh dữ lắm!” Những ngón đòn tuyệt kỹ được tung ra. Nào côn nào quyền. Võ tàu võ ta. Gió cuộn cát bay, tiếng hò reo huyên náo cả một vùng. Võ sĩ vác heo thoát được hay không ngoài chuyện được đồng bọn hỗ trợ, cái chính là tuỳ thuộc vào tài nghệ của mình. Nếu kém tài thì bị kẻ giỏi hơn cướp tay trên. Môn phái nào đem được con heo quay về tổ đình là một vinh dự to lớn, năm đó được tiếng vô địch, học trò xin theo học rất đông. Lễ hội đổ giàn An Thái là một lễ hội mà võ thuật bộc lộ đến đỉnh cao các phẩm chất dũng mãnh, cao thượng và nồng nhiệt. Tất nhiên, không loại trừ những yếu tố hệ quả và mặt trái như sự quyết liệt ăn thua có thể dẫn tới sát thương, hoặc mặc cảm thua cuộc nặng nề có thể chuyển thành lòng thù hận, ra sức rèn tập đợi đến kỳ hội sau rửa nhục. Nhưng vượt lên trên tất cả những vụn vặt đời thường, vẫn là hào khí thượng võ rót tràn cuộc sống sự hồi hộp và niềm vui ngây ngất.

13.Văn hóa võ đài: Năm 1936, Toàn quyền Đông Dương tổ chức tại Miền Trung (Quy Nhơn, Huế, Đà Nẵng) Đại hội thi đấu võ thuật Việt Nam cho các môn phái võ thuật trên toàn cõi Đông Dương bao gồm Việt Nam, Lào và Cao Miên. Các võ sỹ được phân làm ba hạng cân: hạng nhẹ, hạng trung và hạng nặng. Luật thi đấu yêu cầu khi lên đài tỷ thí các võ sinh chỉ được mặc quần đùi, không đeo găng, không đi giầy. Các võ sỹ được phép sử dụng bất kỳ loại võ thuật nào của mọi môn phái để đánh cho đến khi đối phương xin đầu hàng mới thôi. Nếu không có quyền đánh đến chết. Vì luật thi đấu như vậy tất sẽ có nhiều rủi ro và nguy hiểm đến tính mạng nên ban tổ chức yêu cầu trước khi thượng đài thi đấu, các võ sỹ phải tự nguyện ký cam kết, hoàn toàn chịu trách nhiêm khi xảy ra điều không may, một dạng “sinh tử trạng”. Tự chuẩn bị các loaị thuốc men, bông băng cần thiết và cả một cỗ quan tài để phòng tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Từ năm 1950 đổ về trước, các võ sĩ vẫn đánh tay không chứ không đeo găng tay, mặc áo bảo hiểm và quanh đài không căng dây. Người nào bị đánh rơi xuống đài là thua. Phải đến cuối thập kỷ năm mươi của thế kỷ XX, áo bảo hiểm và găng tay võ sĩ mới xuất hiện trên các sàn đấu Bình Định. Màu phổ biến của áo bảo hiểm và găng tay là đỏ – xanh, hoặc đỏ – đen.

14.Văn hóa đấu vật: Những đòn hiểm độc làm hại đối phương bị cấm ngặt. Ai phạm luật bị xử rất nghiêm khắc. Người phạm luật bị phạt đứng giữa sới cho một đô vật khoẻ hơn bê vứt ra khỏi sới và 5 đời con cháu không được tham gia vật võ.

15.Văn hóa võ Việt trong hát bội: Múa trong hát bội Bình Định có quan hệ mật thiết với võ cổ truyền Bình Định. Các động tác múa không có đạo cụ trong hát bội như khai, khán, chỉ, khoát, giằng cương ngựa, lên ngựa, phi ngựa, lăn, ngã, đá, xóc, nhảy thành… được chắc lọc từ các tư thế, động tác võ thuật, từ các bài quyền. Múa có đạo cụ như cung, kiếm, thương, siêu, đao, khiên, búa, chùy… nhất thiết phải học qua các bài võ có binh khí thì mới có nền tảng để cách điệu, trau chuốt các động tác cho phù hợp, đảm bảo vừa đúng vừa đẹp, vừa khoa học vừa thẩm mỹ. Người sắm vai Ông Đỏ (Quan Công) phải biết đánh đại đao mới có thể múa Thanh Long đao sao cho hùng, uy nhất quán. Người sắm vai Tiết Cương chuyên đánh độc phủ (búa đơn), mà thế chống búa trong bài độc phủ thì phải đứng một chân, còn chân kia co lại đưa lên cao, lòng bàn chân ngửa. Thế đứng này đẹp nhưng khó, nếu diễn viên không hiểu biết võ thuật thì không thể lập bộ vững vàng, huống chi trong khi đứng, còn phải diễn và hát. Kép sắm vai Triệu Khánh Sanh, Cao Quân Bảo đòi hỏi nhuần nhuyễn cách khai thương, khán thương, khoát thương, chỉ thương, khấu thương; trong khai thương lại phải biết khai vớt, khai chao, khai loan; hay như khi nhân vật chỉ cầm thương chứ không giao tranh cũng phải biết cách cầm thương dắt ngựa, gò ngựa; cầm thương lên ngựa sao cho chặt chẽ, không bị rối mới tạo dáng đẹp, cầm không nên hồn thì thương đi đường thương, ngựa đi đường ngựa, hỏng cả tầm vóc nhân vật lẫn vở diễn. Các vai đào chiến như Đào Tam Xuân, Lưu Kim Đính, Kỷ Lan Anh múa song kiếm phải thành thạo từ cách khai kiếm, chuốt kiếm, dựng kiếm, bồng kiếm, khấu kiếm- động tác múa phải tròn, kín, nếu là song kiếm thì phải biết lúc nào nên tách, lúc nào nên nhập. Chính vì mối quan hệ giữa võ và múa mật thiết như vậy nên Hậu tổ Hát bội Việt Nam Đào Tấn từng dạy học trò: “Kép hát phải biết võ nghệ mới được.”  Những nguyên tắc mà vũ điệu hát bội phải tuân thủ như cân đối, âm dương, gốc ngọn, mực thước, nhịp nhàng, thật ra rất gần với các thảo võ cơ bản của võ cổ truyền Bình Định, bắt đầu từ bài dễ như quyền Ngũ hành, roi Thất bộ đến những bài tiêu biểu như quyền Ngọc Trản và roi Thái Sơn. Diễn viên hát bội học múa đều được dạy hai thảo võ cơ bản này. Các nhân vật được thể hiện trên sân khấu hát bội như Quan Công, Trương Phi, Hoàng Phi Hổ, Triệu Khánh Sanh, Tiết Cương v.v… tuy “bước ra” từ các tích tuồng lịch sử Trung Quốc, nhưng các tác gia hát bội Việt Nam đã phổ vào đó hồn vía Việt. Qua sự nhập vai của các diễn viên tài danh trên sân khấu hát bội Bình Định, cốt cách, tinh thần và võ thuật Bình Định đã hòa quyện và làm nên sức sống lâu bền của vai diễn, lớp diễn, vở diễn. Tiết Cương chống búa, Diễn võ đình, Lão Tạ lăn lửa, Đào Tam Xuân loạn trào … là những lớp diễn tuyệt vời, trong đó võ thuật Bình Định đã nhập vào nghệ thuật hát bội để thăng hoa và trở thành bất diệt.

Trưởng Ban điều hành Võ phái Đức Nam – Nhị khúc côn

Vs-Ths. Hoàng Ngọc Hùng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *