Chuyển tới nội dung

QUY CHẾ SINH HOẠT VÕ PHÁI ĐỨC NAM – NHỊ KHÚC CÔN

  • bởi

QUY CHẾ

SINH HOẠT

(Ban hành kèm theo quyết định số 03 – 2016/QĐ- ĐNNKC ngày 11 tháng 5 năm 2016

của Ban Điều hành Võ phái Đức Nam – Nhị khúc côn)

CHƯƠNG I

DANH HIỆU, TRỤ SỞ, PHẠM VI HOẠT ĐỘNG

Điều 1: Võ phái được thành lập chính thức tại Việt Nam lấy danh hiệu là Võ phái Đức Nam – Nhị khúc côn

Điều 2: Trụ sở tạm thời của  võ phái đóng tại Tổ 4 – Quang Thành 2 – Liên Chiểu – Tp. Đà Nẵng

Điều 3: Võ phái hoạt động trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam và có thể mở rộng ra quốc tế  chiếu theo luật pháp hiện hành

CHƯƠNG II

MỤC ĐÍCH VÀ TÔN CHỈ

Điều 4: Võ phái Đức Nam – Nhị khúc côn hoạt động theo ba mục đích chính

1. RÈN ĐẠO ĐỨC: Rèn đức cho người tập – chữ “ĐỨC (đạo đức)” –

2. YÊU TỔ QUỐC: Bảo tồn, phát triển, quảng bá võ học Việt Nam, nêu cao tinh thần thượng võ của dân tộc Việt Nam – chữ “NAM (Việt Nam)”

3. TẬP NHỊ KHÚC: Với học cụ Nhị khúc côn, võ phái thâu thập, nghiên cứu, sáng tạo, vận dụng các bài võ, thế võ trong nước và quốc tế để làm phong phú nền võ học Việt Nam – cụm từ “nhị khúc côn”

Điều 5: Võ phái Đức Nam – Nhị khúc côn hoạt động với ba tôn chỉ chính

1. Với bản thân: Tu dưỡng và thăng tiến

2. Với cộng đồng: Chấp hành và giúp ích

3. Với tổ quốc: Trung thành và vinh danh

CHƯƠNG III

THỜI GIAN, PHẠM VI, NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

Điều 6: Thời gian hoạt động của Võ phái Đức Nam – Nhị khúc côn là vô hạn

Điều 7: Võ phái Đức Nam – Nhị khúc côn hoạt động các võ đường, câu lạc bộ, trung tâm huấn luyện, hiệp hội, liên đoàn trong nước và quốc tế

Điều 8: Nội dung sinh hoạt chủ đạo của võ phái Đức Nam – Nhị khúc côn ở ba phương diện võ thuật, võ đức, võ lực

CHƯƠNG IV

BAN ĐIỀU HÀNH VÕ PHÁI

Điều 9: Quy định nguyên tắc hoạt động, chế độ làm việc và mối quan hệ công tác của Ban điều hành võ phái Đức Nam – Nhị khúc côn với các trung tâm huấn luyện, võ đường, câu lạc bộ, hiệp hội, liên đoàn, môn sinh với các cơ quan, đơn vị liên quan đến hoạt động của võ phái. Hoạt động Ban điều hành võ phái Đức Nam – Nhị khúc côn đảm bảo thường xuyên, có kế hoạch, thiết thực có hiệu quả, nhằm từng bước củng cố và đưa Võ phái Đức Nam – Nhị khúc côn phát triển ngày càng lớn mạnh.

Điều 10: Sư trưởng

1. Giám sát các hoạt động của Ban điều hành và ra các quyết định cuối cùng sau khi đã thống nhất với Ban điều hành

2. Sư trưởng có thể nhường quyền lãnh đạo võ phái cho một võ sư khác. Trong trường họp này, vị nguyên sư trưởng sẽ đương nhiên là cố vấn tối cao của võ phái

3. Trong trường hợp Sư trưởng qua đời (có quy định riêng)

Điều 11: Trưởng ban điều hành võ phái

1. Do Sư trưởng võ phái bổ nhiệm

2. Chỉ đạo điều hành chung các hoạt động của Ban điều hành, điều phối hoạt động của các Trung tâm huấn luyện, kiểm tra, giám sát, tham gia thực hiện các nội dung liên quan đến hoạt động phát triển võ phái.

3. Triệu tập và chủ trì các cuộc họp thường kỳ hoặc bất thường của Ban điều hành; Tuỳ vào tình hình cụ thể của võ phái  và  kết luận các vấn đề đã được thảo luận trong các cuộc họp đó.

4. Phân công nhiệm vụ cho các Phó Trưởng Ban và từng Thành viên của Ban điều hành;

5. Chỉ đạo phối hợp với các trung tâm huấn luyện liên quan để thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ của Ban điều hành.

6. Đôn đốc, kiểm tra việc thưc hiện nhiêm vụ đã giao cho các thành viên của Ban điều hành.

7. Chịu trách nhiệm trước Sư trưởng võ phái về nhiệm vụ được giao.

Điều 12: Phó ban điều hành võ phái

1. Do Trưởng ban đề cử và Sư trưởng bổ nhiệm

2. Giúp Trưởng Ban tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Ban điều hành; Giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền của Trưởng Ban trong thời gian Trưởng Ban vắng mặt và có ủy quyền

3. Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao đối với các thành viên Ban. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho Tổ chuyên môn giúp việc và thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu.

4. Chịu trách nhiệm chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá và tham mưu cho Sư trưởng võ phái, Trưởng Ban điều hành võ phái

5. Thực hiện các nhiệm vụ liên quan khác do Trưởng Ban phân công.

Điều 13: Các thành viên ban điều hành võ phái

1. Thay mặt Ban điều hành, chịu trách nhiệm trước Ban điều hành ,chỉ đạo và cùng Ban điều hành xem xét giải quyết các vấn đề có liên quan đến hoạt động phát triển võ phái.

2. Phản ánh đầy đủ ý kiến chính thức đóng góp từ các trung tâm, võ đường, môn sinh, quần chúng nhân dân, tổ chức xã hội về những vấn đề có liên quan đến phát triển võ phái.

3. Tham dự đầy đủ các cuộc họp định kỳ hoặc đột xuất của Ban điều hành và tham gia có hiệu quả vào công tác chỉ đạo của Ban. Nếu vắng mặt trong các cuộc họp thì phải báo cáo và được sự đồng ý của Trưởng ban điều hành

4. Thực hiện chế độ báo cáo về các hoạt động của bộ phận chuyên môn phụ trách khi Trưởng Ban yêu cầu.

5. Các thành viên Ban điều hành thực hiện nhiệm vụ do Trưởng Ban phân công.

Điều 14: Tiểu ban chuyên môn ban điều hành võ phái

1. Giúp Ban điều hành xây dựng chương trình, kế hoạch công tác hàng năm và các đề án về phát triển võ phái, đồng thời chuẩn bị nội dung, tài liệu cho các kỳ họp Ban điều hành và giải quyết các công việc có liên quan theo yêu cầu.

2. Chuẩn bị các nội dung theo yêu cầu của Ban điều hành (báo cáo, kế hoạch, chương trình công tác, hội họp, sơ kết và các hoạt động khác.v.v.) về phát triển võ phái

3. Giúp Ban điều hành triển khai các nội dung hoạt động võ phái về công tác đào tạo, tuyên truyền, phổ biến thông tin, kiến thức về phát triển võ phái đến các trung tâm, võ đường

4. Trực tiếp xử lý, giải quyết các nhiệm vụ chuyên môn do Ban điều hành chỉ đạo liên quan đến phát triển võ phái.

5. Thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan do Trưởng Ban, Phó Ban điều hành giao phó.

Điều 15: Sư trưởng, Trưởng Ban điều hành ký các văn bản của Ban ban điều hành sử dụng triện dấu của võ phái.

Điều 16: Chế độ làm việc của ban điều hành võ phái

1. Ban điều hành làm việc theo chế độ kết hợp trách nhiệm của tập thể với việc đề cao quyền hạn và trách nhiệm cá nhân của Trưởng Ban điều hành, Phó Ban điều hành và mỗi thành viên Ban điều hành.

2. Tổ chức họp định kỳ theo quy định, khi cần thiết Trưởng Ban điều hành sẽ triệu tập cuộc họp bất thường.

3. Những vấn đề không cần thiết phải đưa ra tập thể Ban điều hành xem xét giải quyết, sẽ được giải quyết thông qua các cuộc hội ý giữa Trưởng Ban điều hành, Phó Ban điều hành và các thành viên có liên quan.

Điều 17: Chế độ phối hợp giữa ban điều hành với trung tâm huấn luyện, võ đường, Câu lạc bộ

1. Ban điều hành thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các trung tâm, võ đường, câu lạc bộ để triển khai các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến việc phát triển võ phái

2. Các trung tâm huấn luyện các tỉnh, võ đường, câu lạc bộ xây dựng kế hoạch gửi về Ban điều hành để tổng hợp và theo dõi chỉ đạo, quản lý.

Điều 18: Chế độ báo cáo và cung cấp thông tin

1. Các trung tâm huấn luyện, võ đường trực thuộc căn cứ vào kế hoạch hoạt động của Ban điều hành võ phái để xây dựng kế hoạch hoạt động.

2. Hoặc yêu cầu đột suất Ban điều hành họp 1 lần để nắm bắt tình hình và kết quả triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển võ phái cùng các ý kiến đề xuất hoặc các biện pháp cần thiết, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phát triển võ phái.

3. Định kỳ quí 6 tháng, cả năm, Ban điều hành có trách nhiệm báo cáo về tình hình hoạt động của Ban điều hành đến Sư trưởng Võ phái.

Điều 19: Kinh phí hoạt động ban điều hành

1. Ủy viên ban điều hành đóng góp quỹ sinh hoạt 20.000 đồng/1 tháng

2. Trích từ quỹ hoạt động võ phái

3. Từ tiền tài trợ

CHƯƠNG V

TRUNG TÂM HUẤN LUYỆN

Điều 20:  Quy định nguyên tắc hoạt động, chế độ làm việc và mối quan hệ công tác của Trung tâm huấn luyện với võ đường, câu lạc bộ, môn sinh với các cơ quan, đơn vị liên quan đến hoạt động của trung tâm huấn luyện và võ phái. Hoạt động Trung tâm huấn luyện đảm bảo thường xuyên, có kế hoạch, thiết thực có hiệu quả, nhằm từng bước củng cố và đưa trung tâm huấn luyện phát triển lớn mạnh góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh võ phái.

Điều 21: Trưởng trung tâm huấn luyện

1. Trưởng Trung tâm huấn luyện do Trưởng ban điều hành võ phái bổ nhiệm.

2. Chỉ đạo điều hành chung các hoạt động của trung tâm huấn luyện, điều phối hoạt động của các võ đường, câu lạc bộ, kiểm tra, giám sát, tham gia thực hiện các nội dung liên quan đến hoạt động phát triển võ phái.

3. Triệu tập và chủ trì các cuộc họp thường kỳ hoặc bất thường của trung tâm huấn luyện; tuỳ vào tình hình cụ thể của trung tâm huấn luyện và kết luận các vấn đề đã được thảo luận trong các cuộc họp đó.

4. Phân công nhiệm vụ cho các Phó trung tâm và từng Thành viên của trung tâm; chỉ đạo phối hợp với các võ đường, câu lạc bộ liên quan để thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ của trung tâm. Đôn đốc, kiểm tra việc thưc hiện nhiêm vụ đã giao cho các thành viên của trung tâm.

5. Chịu trách nhiệm trước Trưởng ban điều hành, Sư trưởng võ phái về nhiệm vụ được giao.

Điều 22: Phó trung tâm huấn luyện

1. Giúp Trưởng trung tâm tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của trung tâm;

2. Giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền của Trưởng trung tâm trong thời gian Trưởng trung tâm vắng mặt và có ủy quyền.

3. Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao đối với các thành viên Ban.

4. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho Tổ chuyên môn giúp việc và thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu.

5. Chịu trách nhiệm chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá và tham mưu cho trưởng trung tâm huấn luyện.

6. Thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan do Trưởng trung tâm phân công.

Điều 23: Các thành viên trung tâm huấn luyện

1. Thay mặt trung tâm, chịu trách nhiệm trước trung tâm,chỉ đạo và cùng trung tâm xem xét giải quyết các vấn đề có liên quan đến hoạt động phát triển trung tâm.

2. Phản ánh đầy đủ ý kiến chính thức đóng góp từ các võ đường, câu lạc bộ, môn sinh, quần chúng nhân dân, tổ chức xã hội về những vấn đề có liên quan đến phát triển trung tâm, võ phái.

3. Tham dự đầy đủ các cuộc họp định kỳ hoặc đột xuất của trung tâm và tham gia có hiệu quả vào công tác chỉ đạo của trung tâm. Nếu vắng mặt trong các cuộc họp thì phải báo cáo và được sự đồng ý của Lãnh đạo trung tâm.

4. Thực hiện chế độ báo cáo về các hoạt động của bộ phận chuyên môn phụ trách khi Trưởng trung tâm yêu cầu.

5. Các thành viên trung tâm thực hiện nhiệm vụ do Trưởng trung tâm phân công.

Điều 24: Tiểu ban chuyên môn trung tâm huấn luyện

1. Giúp trung tâm huấn luyện xây dựng chương trình, kế hoạch công tác hàng năm và các đề án về phát triển trung tâm, đồng thời chuẩn bị nội dung, tài liệu cho các kỳ họp trung tâm và giải quyết các công việc có liên quan theo yêu cầu.

2. Chuẩn bị các nội dung theo yêu cầu của trung tâm (báo cáo, kế hoạch, chương trình công tác, hội họp, sơ kết và các hoạt động khác.v.v.) về phát triển trung tâm.

3. Giúp trung tâm triển khai các nội dung hoạt động trung tâm về công tác đào tạo, tuyên truyền, phổ biến thông tin, kiến thức về phát triển võ phái đến các võ đường, câu lạc bộ.

4. Trực tiếp xử lý, giải quyết các nhiệm vụ chuyên môn do trung tâm chỉ đạo liên quan đến phát triển võ phái.

5. Thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan do Trưởng trung tâm, Phó trung giao phó.

Điều 25: Chế độ làm việc của trung tâm huấn luyện

1. Trung tâm làm việc theo chế độ kết hợp trách nhiệm của tập thể với việc đề cao quyền hạn và trách nhiệm cá nhân của Trưởng trung tâm, Phó trung tâm và mỗi thành viên trung tâm.

2. Tổ chức họp định kỳ theo quy định, khi cần thiết Trưởng trung tâm sẽ triệu tập cuộc họp bất thường.

Điều 26: Chế độ phối hợp giữa trung tâm huấn luyện với võ đường

1. Trung tâm thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các võ đường, để triển khai các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến việc phát triển võ phái.

2. Các võ đường, câu lạc bộ xây dựng kế hoạch gửi về trung tâm để tổng hợp và theo dõi chỉ đạo, quản lý.

Điều 27: Chế độ báo cáo và cung cấp thông tin

1. Các võ đường trực thuộc căn cứ vào kế hoạch hoạt động của trung tâm huấn luyện để xây dựng kế hoạch hoạt động.

2. Hoặc yêu cầu đột suất trung tâm họp để nắm bắt tình hình và kết quả triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển trung tâm cùng các ý kiến đề xuất hoặc các biện pháp cần thiết, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phát triển võ phái.

3. Định kỳ quí 6 tháng, cả năm, trung tâm có trách nhiệm báo cáo về tình hình hoạt động của trung tâm đến ban điều hành Võ phái.

Điều 28: Kinh phí hoạt động của trung tâm huấn luyện

1. Hình thức đóng quỹ xây dựng trung tâm

2. Trích từ lệ phí thi thăng cấp

3. Từ tiền tài trợ

CHƯƠNG VI

VÕ ĐƯỜNG

Điều 29:  Hoạt động võ đường, câu lạc bộ đảm bảo thường xuyên, có kế hoạch, thiết thực có hiệu quả, nhằm từng bước củng cố và đưa võ đường, câu lạc bộ phát triển lớn mạnh góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh của trung tâm và võ phái.

Điều 30: Phân công trách nhiệm

1. Chủ nhiệm võ đường/câu lạc bộ: Là người chỉ đạo và điều hành mọi kế hoạch, hoạt động của võ đường và chịu trách nhiệm về các hoạt động đó.

2. Phó chủ nhiệm võ đường/câu lạc bộ: Là người giúp cho Chủ nhiệm và thay quyền Chủ nhiệm võ đường khi Chủ nhiệm vắng mặt.

3. Các thành viên võ đường/câu lạc bộ: Là người trợ giúp phó chủ nhiệm quản lý về mặt tổ chức chuyên môn và các hoạt động cho võ đường.

Điều 31: Chế độ báo cáo và cung cấp thông tin

1. Các võ đường/câu lạc bộ trực thuộc căn cứ vào kế hoạch hoạt động của trung tâm huấn luyện để xây dựng kế hoạch hoạt động.

2. Định kỳ quí 6 tháng, cả năm, đột xuất, võ đường, câu lạc bộ có trách nhiệm báo cáo về tình hình hoạt động của võ đường, câu lạc bộ đến trưởng trung tâm huấn luyện.

Điều 32: Kinh phí hoạt động của võ đường/câu lạc bộ

1. Học phí từ học viên

2. Gây quỹ hoạt động

3. Từ tiền tài trợ

 CHƯƠNG VIII

CHUYÊN MÔN KỸ THUẬT

Điều 33: Quy định những nguyên tắc chuyên môn, bao gồm trang phục, chương trình huấn luyện, đẳng trình, điều kiện thi thăng đai nâng cấp, tổ chức thi thăng cấp, giáo khảo, trọng tài, huấn luyện viên, vận động viên của Võ phái Đức Nam – Nhị khúc côn.

Điều 34: Phù hiệu truyền thống của võ phái Đức Nam – Nhị khúc côn  bên ngực trái của áo, Phù hiệu nền vàng, Vòng tròn ngoài có viền trắng, bên trong nửa trên 1/3 vòng tròn ghi chữ “Đức Nam Nhị khúc côn” chữ “Đức Nam” mầu đỏ, chữ “Nhị khúc côn” mầu xanh, bên dưới là hình tượng binh khí côn nhị khúc dựng đứng hình chữ “v” ngược mầu đỏ, giây mầu trắng , vòng tròn âm dương bên trong xanh bên phải, đỏ bên trái, bản đổ Việt Nam mầu vàng ở giữa vòng tròn âm dương thể hiện cho nguồn gốc xuất xứ của môn võ là ở Việt Nam, Phù hiệu đặc thù của võ phái Đức Nam – Nhị khúc côn có đường kính: 9cm.

Điều 35: Cờ hiệu hình chữ nhật viền trắng, chiều rộng bằng 2/3 chiều dài, nền vàng, có 2 vạch đỏ và xanh liền kề, ở giữa là phù hiệu võ phái.

Điều 36: Môn sinh mặc võ phục mầu đen, áo của môn sinh khi thắt chặt đai quanh thắt lưng phải có độ dài tối thiểu đủ để che được phần hông nhưng không dài quá 3/4 đùi, võ sinh nữ được phép mặc áo phông đen bên trong. Chiều dài tối đa của tay áo không được dài quá cổ tay và không được ngắn hơn nửa cẳng tay, tay áo không được xắn lên. Quần môn sinh phải đủ để che được ít nhất 2/3 cẳng chân và không được chùm mắt cá chân, ống quần không được xắn lên. Môn sinh phải cắt ngắn móng tay và không được đeo đồng hồ kim loại hay vật khác có thể gây ra chấn thương trong quá trình tập luyện và thi đấu.

Điều 37: Bảnh tên võ sinh bên ngực phải của áo, võ sinh đeo bảng tên đen, chữ mầu xanh, đai xanh bảng tên xanh chữ mầu vàng, đai vàng bảng tên vàng chữ mầu đỏ, đai đỏ bảng tên đỏ chữ mầu trắng, đai trắng bảng tên trắng chữ mầu đỏ. Kích thước: 4cm x 12cm.

Điều 38: Tên tỉnh,  đơn vị tài trợ, võ đường, câu lạc bộ sau lưng, chiều cao 6cm. Khi biểu diễn và thi đấu ở nước ngoài sau lưng mang bảng tên quốc gia.

Điều 39: Có 5 mầu đai theo thứ tự tăng dần là đai đen, đai xanh, đai vàng, đai đỏ và đai trắng, đai phải có bề rộng 5cm và có độ dài mỗi bên đai là 15 cm tính từ đầu cho đến nút thắt đai.

Điều 40: Lối chào của võ phái Đức Nam – Nhị khúc côn được gọi là “Lễ”

Điều 41: Hệ thống đẳng cấp (phụ lục 1 )

Điều 42: Chương trình huấn luyện (phụ lục 2)

Điều 43: Điều kiện thi thăng đai

Công dân Việt Nam

1. Tập luyện đầy đủ chương trình đúng thời gian quy định theo từng cấp độ. Trong trường hợp đặc biệt, có thể giảm bớt thời gian quy định cho các môn sinh xuất sắc và được các võ sư, huấn luyện viên cao cấp giới thiệu bằng văn bản, nhưng không quá 1/3 thời gian tối thiếu theo quy định

2. Đủ 17 tuổi khi dự thi các cấp đai vàng và đai đỏ

3. Dưới 17 tuổi, thi đỗ đai vàng sẽ mang đai vàng có viền xanh

4. Không bị kỷ luật

5. Đóng lệ phí theo đúng quy định

6. Hồ sơ dự thi gồm có

  • Đơn xin dự thi theo mấu thống nhất của Võ phái (phụ lục 3)
  • Danh sách tổng hợp võ sinh của các đơn vị có xác nhận của Trưởng trung tâm huấn luyện, chủ nhiệm võ đường (nếu chưa có trung tâm huấn luyện) quản lý trực tiếp.
  • Bản chính giấy chứng nhận đẳng cấp theo mẫu của võ phái hoặc quyết định được công nhận đẳng cấp tại các kỳ thi.
  • Thi hướng dẫn viên trở lên có nộp chứng minh nhân dân
  • Thi thắng cấp huấn luyện viên phải nộp thêm bản sao văn bằng tốt nghiệp trung học phổ thông
  • Thi đẳng cấp võ sư phải nộp vãn bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học
  • Các trường hợp đặc biệt khi dự thi các cấp huấn luyện viên cao cấp và võ sư (phải do Sư trưởng võ phái xem xét và quyết định)

Công dân Việt Nam sống ở nước ngoài và người nước ngoài

1. Thực hiện theo đúng quy chế quản lý các đoàn ra vào, đoàn nước ngoài vào Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực TDTT đã được ban hành tại Quyết định số 1982/2004/QĐ-UBTDTT ngày 31/12/2004 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao Việt Nam và chính quyền địa phương từng cấp.

2. Được cơ quan đại diện Việt Nam, các hiệp hội hoặc các tổ chức tương đương ở nước sở tại giới thiệu, Nếu chưa có thì do võ sư, huấn luyện viên có đẳng cấp cao nhất nơi đó giới thiệu.

3. Nộp đơn xin thi thăng cấp có sơ yếu lý lịch

4. Không vi phạm kỷ luật của võ phái

5. Đóng lệ phí theo đúng quy định

6. Các thủ tục khác theo quy chế chuyên môn

Điều 44: Các môn thi thăng cấp

1. Cấp đai đen và đai xanh

a. Võ thuật (Đòn căn bản, chiêu thức tấn công, đối luyện, quyền pháp)

b. Võ lực ( căn cứ theo giới tính, lứa tuổi để có bài đánh giá phù hợp)

c. Lý thuyết võ đức theo chương trình huấn luyện

2. Cấp đai vàng

a. Võ thuật (Đòn căn bản, chiêu thức tấn công, đối luyện, đa luyện, quyền pháp)

b. Võ lực ( căn cứ theo giới tính, lứa tuổi để có bài đánh giá phù hợp)

c. Lý thuyết võ đức theo chương trình huấn luyện

d. Đời sống, công lao cống hiến xây dựng cho sự phát triển võ phái

3. Cấp đai đỏ

a. Võ thuật (Đòn căn bản, chiêu thức tấn công, đối luyện, đa luyện, quyền pháp)

b. Võ lực ( căn cứ theo giới tính, lứa tuổi để có bài đánh giá phù hợp)

c. Lý thuyết võ đức theo chương trình huấn luyện

d. Đời sống, công lao cống hiến xây dựng cho sự phát triển võ phái

4. Cấp đai trắng:

a. Thi lên võ sư: bên cạnh những môn đã được quy định trong chương trình huấn luyện, môn sinh phải có khả năng huấn luyện, đời sống mẫu mực, có công lao xây dựng phát triển phong trào và trình luận án võ học Đức Nam – Nhị khúc côn phải được 1 võ sư cao đẳng hướng dẫn và bảo trợ. Luận án võ học phải được gửi trước về cho ban tổ chức khóa khi 3 tháng tính đến ngày thi chính thức.

b. Ban điều hành võ phải có trách nhiệm phân công và cụ thể hóa thang điểm, nội dung cụ thể các môn thi ở từng cấp đai để tập huấn các giám khảo và hướng dẫn các đơn vị thực hiện.

Điều 45: Xếp hạng thi thăng cấp

Các thi sinh trúng tuyển sẽ sếp theo 4 hạng sau đây:

1. Xuất sắc: Đạt điểm trung bình các môn thi từ 9 điểm trở lên.

2. Giỏi: Đạt điểm trung bình các môn thi từ 8 điểm trở lên.

3. Khá: Đạt điểm trung bình các môn thi từ 7 điểm trở lên.

4. Trung bình: Đạt điểm trung bình các môn thì từ 5 điểm trở lên.

Bất kỳ thành phần nội dung thi nào của thí sinh đạt điển dưới 5 trở xuống thì bị rớt.

Điều 46: Phân cấp tổ chức thi thăng đai và công nhận kết quả

1. Cấp võ sinh và môn sinh

a. Từ đai đen đến đai xanh IV cấp: Do các Trung tâm huấn luyện tổ chức khóa thi.

b. Trung tâm huấn luyện lập hồ sơ thi theo quy chế chuyên môn, gửi các văn bản và công văn xin tổ chức khóa thi về Ban điều hành võ phái Đức Nam – Nhị khúc côn trước kỳ thi 15 ngày.

c. Ban điều hành võ phái cấp phôi mẫu trứng nhận đẳng cấp và số giấy chứng nhận đẳng cấp để quản lý môn sinh.

2. Thi lên phụ tá, huấn luyện viên, võ sư

a. Do Ban điều hành võ phái tổ chức định kỳ 1 năm 1 lần, được thông báo đến các đơn vị bằng văn bản.

b. Các đơn vị gửi hồ sơ về ban điều hành võ phái trước 1 tháng tính tới ngày thi chính thức.

c. Ban điều hành võ phái ra quyết định công nhận kết quả thi, cấp bằng đẳng cấp và thẻ đẳng cấp.

Điều 47: Phong cấp danh dự

1. Ban điều hành võ phái xem xét ra quyết định phong cấp phụ tá, huấn luyện viên, võ sư danh dự theo quy định về điều kiện phong cấp danh dự (mang đai vàng viền đỏ, đai đỏ viền trắng, đai trắng viền đỏ)

2. Trung tâm huấn luyện xem xét ra quyết định phong cấp môn sinh danh dự theo quy định về điều kiện phong cấp danh dự (đai xanh viền vàng)

Điều 48: Tiểu chuẩn chỉ định thành viên hội đồng giám khảo

1. Thành viên hội đồng giám khảo phải là võ sư đang trực tiếp hoạt động, có khả năng chuyên môn, có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật.

2. Thi các cấp đai đen, đai xanh, Chủ tịch hội đồng giám khảo phải có đẳng cấp phụ tá huấn luyện viên cao cấp.

3. Thi các cấp đai vàng, Chủ tịch hội đồng giám khảo phải có đẳng cấp huấn luyện viên cao cấp.

4. Thi các cấp đai đỏ, Chủ tịch hội đồng giám khảo phải có đẳng cấp võ sư.

5. Chủ tịch hội đồng giám khảo có quyền ngưng nhiệm vụ của các ủy viên HĐGK thi cần thiết.

Điều 49: Kinh phí tổ chức thi thăng cấp

1. Thi sinh dự thi các cấp phải tự túc kinh phí dự thi, kinh phí tổ chức các khóa thi tại địa phương do địa phương đăng cai tổ chức chịu trách nhiệm.

2. Đơn vị tổ chức khóa thi chi tiền đi lại, ăn, ở, công tác cho các thành viên hội đồng giám khảo về tập huấn, giám sát, làm nhiệm vụ tại kỳ thi.

Điều 50: Hướng dẫn thực hiện lễ thi thăng cấp

1. Công văn xin đăng cai kỳ thi thăng cấp

2. Kế hoạch tổ chức thi thăng cấp

3. Quyết định thành lập hội đồng chấm thí

4. Quyết định thành lập hội đồng giám khảo

5. Quyết định công nhận kết quả thi

6. Tổng hợp danh sách dự thi

7. Phiếu chấm thi

8. Đơn xin dự thi thăng cấp

Điều 51: Tiêu chuẩn trọng tài, huấn luyện viên, vận động viên

1. Trọng tài: Những võ sư, huấn luyện viên chấm điểm hội diễn kỹ thuật và đối kháng gọi chung là trọng tài. Tất cả phải có đủ sức khỏe, có năng lục và tác phong tốt, giám định không có tuổi quá 60, trọng tài sân đấu có tuổi đời trong khoảng 20 – 50 tuổi, có đẳng cấp tương đương với giải đấu.

2. Huấn luyện viên: Được đào tạo theo đúng chương trình huấn luyện của võ phái, có sức khỏe và đạo đức tốt.

3. Vận động viên: Là môn sinh Đức Nam – Nhị khúc côn được đào tạo và huấn luyện ít nhất trong thời gian 6 tháng và có chứng nhận đai xanh 1 cấp mới được phép tham gia thi đấu giải.

Điều 52: Muốn mở lớp huấn luyện Đức Nam – Nhị khúc côn, HLV phải thực hiện đầy đủ các đủ thủ tục giấy tờ quy định của nhà nước và quy định của võ phái.

CHƯƠNG IX

TÀI CHÍNH VÕ PHÁI

Điều 53: Quy định những nguyên tắc tài chính của Võ phái Đức Nam –  Nhị khúc côn, bao gồm các nguồn kinh phí thu, nguồn kinh phí chi, nguồn kinh phí tài trợ, các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Điều 54: Các khoảng thu của võ phái

1. Mỗi Trung tâm huấn luyện có trách nhiệm đóng 1.500.000 VNĐ/1 năm về xây dựng võ phái vào đầu tháng 01 hàng năm (tùy thuộc vào từng thời điểm có sự thay đổi cho phù hợp với tình hình phát triển của võ phái, có thông báo bằng văn bản)

2. Kinh phí từ nguồn tài trợ

Điều 55: Các khoản chi của võ phái

1. Trích 20% kinh phí từ các khoản thu cho Ban điều hành võ phái hoạt động

2. Các chí phí xây dựng và phát triển võ phái

Điều 56: Các khoản thu của trung tâm huấn luyện

1. Lệ phí thi thăng cấp quy định cụ thể như sau:

a. Trích 60% kinh phí tổ chức lễ thi thăng đai thăng cấp

b. Trích 10% làm quỹ xây dựng trung tâm

c. Trích 10% kinh phí cho Ban điều hành trung tâm huấn luyện hoạt động

d. Trích 20% nôp về cho võ phái cấp chứng nhận văn bằng.

2. Nguồn thu từ nhà tài trợ để xây dựng và phát triển trung tâm

Điều 57: Các khoản chi của trung tâm huấn luyện

1. Các hoạt động chuyên môn của trung tâm (tập huấn chuyên môn thống nhất kỹ thuật, hội thảo, mua sắm dụng cụ, trang thiết bị hỗ trợ tập luyện……)

2. Các khoảng chi phải đảm bảo cho việc xây dựng và phát triển trung tâm và các võ đường trực thuộc trung tâm quản lý.

Điều 58: Các khoản thu của võ đường

1. Học phí

2. Quỹ phát triển võ đường

3. Tài trợ

Điều 59: Các khoản chi của võ đường nhằm xây dựng võ đường, chăm lo hoạt động thiết thực, hiệu quả cho môn sinh.

Điều 60: Quy định về học phí và lệ phi thi thăng cấp

1. Học phí: Tùy thuộc vào tình hình kinh tế, đối tượng học viên mỗi vùng miền mà đề ra mức thu cho phù hợp.

2. Lệ phí thi cấp sơ đẳng: Tối thiểu 100.000 VNĐ/1 môn sinh (tùy thuộc vào từng thời điểm có sự thay đổi cho phù hợp)

3. Lệ phí thi trung cấp và cao cấp: Sẽ do ban tổ chức kỳ thi trung cấp và cao cấp lập dự trù kinh phí và thông báo phù hợp từng khóa thi.

CHƯƠNG XI

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 61: Khen thưởng

1. Những thành viên, cá nhân xuất sắc có thành tích trong sự phát triển của võ đường sẽ được võ đường xem xét khen thưởng.

2. Danh sách khen thưởng và các mức khen thưởng sẽ được Ban điều hành Võ đường xem xét và phê duyệt.

Điều 62: Kỷ luật

1. Thành viên võ phái, Ban điều hành, Trung tâm huấn luyện, võ đường, câu lạc bộ chi nhánh vi phạm quy chế võ phái.

2. Có những hành vi làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của võ phái thì Ban điều hành võ phái phối hợp với trung tâm huấn luyện, võ đường, câu lạc bộ quyết định hình thức kỷ luật phù hợp, dựa trên quy định chung của võ phái, trung tâm huấn luyện, võ đường, câu lạc bộ.

CHƯƠNG XII

SỬA ĐỔI QUY CHẾ SINH HOẠT

Điều 62: Không sửa đổi Tôn chỉ và Mục đích võ phái.

Điều 63: Sửa đổi quy chế không trái với Tôn chỉ và Mục đích.

Điều 64: Quy định khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *